Cha mẹ nên làm gì khi trẻ xuất hiện triệu chứng COVID-19?

Ngày đăng: 24/09/2022

Trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm COVID-19. Trẻ em ít có khả năng bị bệnh nặng hơn như ở người lớn, nhưng vẫn có thể xảy ra.

Theo kết quả nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh được đăng trên tạp chí Cell Reports Medicine, trẻ sơ sinh có đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ với vi rút gây bệnh COVID-19.
Theo dữ liệu của CDC Hoa Kỳ, trẻ em dưới 18 tuổi chiếm từ 1,7% đến 12% trong tổng số các trường hợp COVID-19. Mặc dù bệnh nghiêm trọng ở trẻ em với COVID-19 đã có báo cáo, tuy nhiên tỷ lệ nhập viện của trẻ cũng thấp hơn nhiều so với người lớn.
Các bằng chứng gần đây cho thấy, trẻ em có thể có tải lượng virus trong đường hô hấp trên tương tự như người lớn, vì vậy trẻ nhiễm bệnh có thể lây virus cho người khác. Điều này cũng gây nguy hiểm nếu không có biện pháp phòng bệnh tốt, đặc biệt là lây sang những người lớn tuổi hoặc những người có một số bệnh mạn tính.
Cha mẹ hãy luôn nhắc nhở trẻ cách phòng ngừa lây truyền bệnh, giữ khoảng cách an toàn, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh sờ tay lên mắt, mũi, miệng
Dấu hiệu trẻ em bị COVID-19
Ở người lớn, các triệu chứng phổ biến bao gồm sốt và ho, trong trường hợp nghiêm trọng hơn, có thể bị viêm phổi nặng và khó thở, sốc hoặc đông máu lan tỏa. Trẻ em bị COVID-19 cũng có thể có những triệu chứng này, nhưng khả năng bị bệnh nặng ít hơn. Các triệu chứng cho trẻ em bao gồm: Ho; sốt hoặc ớn lạnh; thở gấp hoặc khó thở;đau nhức cơ hoặc cơ thể; viêm họng, mất vị giác hoặc rối loạn mùi; bệnh tiêu chảy; đau đầu; mệt mỏi; buồn nôn hoặc nôn mửa; nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi.
Sốt và ho là những triệu chứng COVID-19 phổ biến ở cả người lớn và trẻ em; khó thở dễ gặp ở người lớn. Trẻ em có thể bị viêm phổi, có hoặc không có các triệu chứng rõ ràng. Trẻ cũng có thể bị đau họng, mệt mỏi quá mức hoặc tiêu chảy.
Tuy nhiên, có thể xảy ra bệnh nghiêm trọng ở trẻ em với COVID-19, các bậc cha mẹ nên cảnh giác nếu bé được chẩn đoán hoặc có dấu hiệu của căn bệnh này.
  Các triệu chứng bệnh nghiêm trọng có thể gặp ở trẻ em có một số vấn đề sức khỏe như: Rối loạn di truyền, bệnh lý thần kinh nặng, bệnh tim bẩm sinh, bệnh hồng cầu hình liềm, béo phì, tiểu đường, bệnh thận mãn tính, hen suyễn và các bệnh phổi khác hoặc hệ thống miễn dịch của trẻ kém.
Cha mẹ cần làm gì?
Nếu con bạn bị sốt, ho, hoặc các triệu chứng khác của COVID-19, hãy gọi cho bác sĩ hoặc cơ sở y tế địa phương. Bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên phải làm gì và liệu con bạn có cần đi khám bệnh hoặc nhập viện hay không. Có thể cho trẻ uống thuốc thuốc hạ sốt tại nhà, liều Paracetamol 10 -15 mg cho mỗi kg cân nặng, cách mỗi 6 giờ (ví dụ trẻ 20 kg, liều hạ sốt khoảng 200 mg đến 325 mg mỗi lần uống)
Nếu bạn đang chăm sóc trẻ tại nhà, nhân viên y tế sẽ cho bạn biết những triệu chứng cần theo dõi. Một số trẻ bị COVID-19 đột nhiên trở nặng hơn, thường trong khoảng một tuần.
Nên gọi trợ giúp khẩn cấp hoặc nhập viện ngay lập tức nếu con bạn có một hay nhiều dấu hiệu sau:

- Môi tái hoặc da xanh xao

- Đau bụng dữ dội

- Rối loạn hành vi hoặc lơ mơ

- Khó thở, thở nhanh: nhịp thở > 60 lần/phút ở trẻ dưới 2 tháng, thở nhanh > 50 lần/ phút ở trẻ 2 - 12 tháng, hoặc > 40 lần/phút ở trẻ > 1 tuổi.

- Đau hoặc tức ngực

- Không tỉnh táo hoặc ngủ li bì khó đánh thức

- Bú khó hoặc bỏ bú ở trẻ nhũ nhi

Nếu trẻ có sốt, ho nhẹ, bạn nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nếu nhiệt độ cao từ 38,5 độ C trở lên, uống nhiều nước hơn, ăn uống đủ chất và nấu mềm, lỏng, dễ tiêu, có thể dùng các loại thuốc ho thảo dược cho trẻ em, giữ ấm, cho trẻ ngủ nghỉ nhiều…
Khi nào cần đưa trẻ đi xét nghiệm COVID-19?
Khi nghi ngờ có tình trạng nhiễm virus gây COVID-19, nhân viên y tế thường dùng tăm bông ngoáy dịch từ trong mũi hoặc tỵ hầu của người bệnh để xét nghiệm tìm virus. Các bác sĩ cũng có thể làm các xét nghiệm khác để xác định xem con bạn có mắc bệnh COVID-19 hay một bệnh khác.
Nếu trẻ em tiếp xúc gần với người bị mắc COVID-19, điều cần làm tiếp theo tùy thuộc trẻ có bị mắc COVID-19 gần đây hay không:
Nếu con bạn đã mắc COVID-19 trong vòng 3 tháng qua, nếu trẻ không có triệu chứng, trẻ có thể không cần xét nghiệm, nhưng việc cách ly vẫn là cần thiết.
 Nếu con của bạn không bị COVID-19 trong vòng 3 tháng qua: Trẻ nên được xét nghiệm nếu có thể, ngay cả khi không có triệu chứng nào. Trẻ nên được cách ly ở nhà sau khi bị phơi nhiễm trong 14 ngày, theo dõi trẻ và canh chừng dấu hiệu chuyển nặng.
 Khi con bạn tự cách ly, bạn vẫn nên duy trì 5K. Nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng nào, hãy gọi điện cho bác sĩ hoặc cơ sở y tế tại địa phương

Viết bình luận của bạn: